Mangshin là một thuật ngữ tiếng Hàn có nghĩa “ô nhục” – khiến cho cả cộng đồng bị mất mặt. Will “Chobra” Cho, một bình luận viên Hàn Quốc nói: “Nếu một đội eSports Mỹ thi đấu không tốt, bạn sẽ chỉ trích, nhưng vẫn yêu quý họ. Còn ở Hàn Quốc sẽ là: Anh thi đấu không tốt ư? Đừng mơ đến việc quay trở lại”. Điển hình là khi đội bóng đá Hàn Quốc thất bại ở Vòng Chung kết FIFA Thế giới năm 2014, người hâm mộ đã đến tận sân bay để ném kẹo vào các cầu thủ (đây là một hành động sỉ nhục).
Một vài ngôi sao Liên Minh thừa nhận rằng họ cảm thấy nhẹ nhàng hơn khi rời Hàn Quốc. Một trong những tuyển thủ xuất sắc nhất thế giới là Kim “Deft” Hyuk-kyu đã rời đội Samsung để đầu quân cho Edward Gaming của Trung Quốc năm vừa rồi. Deft chia sẻ rằng người hâm mộ Trung Quốc ít chỉ trích hơn: “Ở Hàn Quốc, người hâm mộ thường xuyên trở nên quá khích”.
Năm 2012, một tuyển thủ Hàn Quốc tên Jang “Woong” Gun-woong phạm một hành động cấm, khi liếc nhìn màn hình trong lúc thi đấu. Đội của anh lập tức bị phạt và người hâm mộ Liên Minh Huyền Thoại liên tục chỉ trích anh trên các trang mạng. Một năm sau, anh ta nghỉ thi đấu và đã viết về sự việc này trên Reddit như sau: “Tôi đã bị chỉ trích như một kẻ phản quốc. Lúc đó tôi chỉ mới 22 tuổi và tôi không biết mình phải làm gì”. Làn sóng căm phẫn trên mạng mạnh mẽ đến mức anh ta phải vào điều trị tại một bệnh viện tâm thần.
Woong hiện tại đã 25 tuổi và đang sống cùng bố mẹ ở Mok-dong, ngay bờ nam sông Hàn. Nhâm nhi tách trà cỏ chanh, anh chia sẻ nhiều lý do khiến anh từ bỏ thi đấu. Người hâm mộ đã hơi quá khích, nhưng anh cũng cảm thấy kỹ năng của mình không còn nhanh nhạy nữa. “Tôi không thích thay đổi quá nhiều, trong khi trò chơi này thì liên tục thay đổi,” Woong nói. Anh đã thử làm huấn luyện viên sau khi nghỉ thi đấu nhưng không thuận lợi nên cuối cùng, Woong trở về làm việc bán thời gian cho doanh nghiệp của bố mình. Anh cũng có kế hoạch sẽ sớm gia nhập quân ngũ. Anh chia sẻ: “Với hầu hết game thủ chuyên nghiệp, tương lai không hề rộng mở. Rất khó để tạo dựng sự nghiệp sau khi họ ngừng thi đấu”.
Tôi hỏi anh có còn chơi Liên Minh để giải trí hay không thì anh nói: “Không thường xuyên lắm, có lẽ là hai ngày một lần”.
Càng gần đến tháng năm, khi giải đấu Mid-Season Invitational (MSI) sắp diễn ra thì cuộc tranh cãi liệu SKT nên đưa Faker hay Easyhoon vào đội hình chính thức càng nổ ra dữ dội. Sau khi đánh bại GE ở vòng chung kết tại Hàn Quốc, SKT đã đưa cả hai tuyển thủ đến Tallahassee để tham dự MSI. Deft, sau khi đội của anh dễ dàng vô địch tại Trung Quốc, đã nói với một phóng viên từ Riot Games rằng anh xem Easyhoon là một đối thủ đáng gờm hơn. Anh nói: “Faker rất giỏi xoay chuyển tình thế, nhưng meta hiện tại không cho phép điều này”.
Vòng đấu diễn ra tại sân bóng rổ của bang Florida trước đám đông khán giả 4000 người. Vé đã được bán hết một cách nhanh chóng trước đó. Những khán đài ngập tràn các cô cậu thiếu niên (các cô gái đặc biệt chiếm đa số) và các diễn viên cosplay trong những bộ trang phục công phu mô phỏng các vị tướng. Khi trông thấy một nhóm các thanh niên cơ bắp mặc áo thun ba lỗ và đội mũ ngược có dòng chữ FSU (Florida State University), tôi đã nghĩ họ bị lạc, cho đến khi tôi nhận ra một trong số họ đang cầm một tấm biển ghi “NERF IRELIA”, một câu đùa mà chỉ người chơi Liên Minh mới hiểu.
Nghịch lý lớn nhất của Thể Thao Điện Tử là dù game được chơi trên mạng, các giải đấu vẫn gặp phải những khó khăn về mặt địa lý. Nếu một tuyển thủ Mỹ đăng nhập vào máy chủ Hàn Quốc, người này sẽ phải chờ lâu hơn. Để tạo sự công bằng cho giải đấu, các đội được tập hợp tại cùng một địa điểm. Các đội Mỹ và châu Âu thường được đấu trên sân nhà.
Hầu hết người hâm mộ đến Tallahassee để cổ vũ cho đại diện của Mỹ là Team SoloMid. Và đội này thua tơi tả. trong khi đó, SKT dễ dàng vào vòng bán kết để đối đầu đại diện đến từ châu Âu là Fnatic. Mọi người đinh ninh rằng đội Hàn Quốc sẽ thắng dễ dàng, nhưng diễn biến trận đấu lại khá bất ngờ: có lúc, Faker đã chết liên tục. Sau khi một bình luận viên nói to suy nghĩ của anh ta rằng SKT nên cân nhắc việc thay thế Faker bằng Easyhoon, một vài người trong đám đông đã gào lên đồng tình. Tối hôm sau, khi hai đội chiến thắng bước vào trận chung kết – Edward Gamingtrong trang phục áo lụa đen thêu hình rồng, SKT thì mặc đồng phục trắng và xanh – Faker đã không có mặt trong đội hình. Huấn luyện viên trưởng của SKT đã quyết định thay thế anh bằng Easyhoon.
Đội Hàn Quốc thắng trận đầu tiên, nhưng bị thất thế ở trận sau. Deft của Edward Gaming đã có được rất nhiều chỉ số tiêu diệt. SKT thua liên tiếp hai trận thứ hai và ba. Đối mặt với nguy cơ thất bại, cả đội tiến về phía sau sân khấu. Khi các tuyển thủ tập hợp lại bên KkOma, đám đông khán giả xôn xao: Easyhoon không có ở trong đội. Anh ta đã bị thay thế. Người hâm mộ bật dậy và cùng gọi tên Faker.
Khi anh bước ra sàn thi đấu, cả khán đài như vỡ òa.
Trận đấu bắt đầu, SKT chơi theo một chiến thuật khác. Cả đội bắt đầu thắng trong những đợt giao tranh và giành thêm điểm hạ gục trong khi Faker đảo quanh khu vực đường giữa. “Dường như SKT đang tỏa ra một sinh khí mới,” một bình luận viên nói. SKT chiến thắng dễ dàng và cuộc đấu đi đến trận thứ 5 để phân thắng bại. Lần này, trong giai đoạn cấm và chọn, EDG mắc phải một sai lầm ngu ngốc: họ không cấm LeBlanc.
Ngay sau đó, mọi người dễ dàng nhận ra đó không phải là một sai lầm mà là một cái bẫy. EDG đã tập hợp một đội hình chuyên biệt để đối phó LeBlanc. Và khi Faker chỉ tập trung phòng thủ, các tuyển thủ EDG đảo đường liên tục. Sau khi liên tục tiêu diệt đối thủ, EDG đã dành lợi thế rất lớn. Cuối cùng, sau 37 phút thi đấu, đại diện Trung Quốc đã phá hủy nhà chính nexus của SKT, và giọng nói của một bình luận viên âm vang trong khán phòng: “Lần đầu tiên tôi chứng kiến… một đội Hàn Quốc bị đánh bại”. Các dãy kim tuyến màu bạc bật tung trên sân khấu và SKT biến mất sau cánh gà sân khấu.
Sau đó, khi đang đi tìm Faker ở hậu trường, tôi chợt nhớ đến câu mà tôi đã hỏi anh lúc còn ở Hàn Quốc: Anh sẽ làm gì sau khi giải nghệ? Trong suốt một vài tuần, tôi đã đề cập đến vấn đề này với rất nhiều game thủ, và đa phần họ không biết trả lời như thế nào. Một số người thừa nhận họ chưa nghĩ gì đến tương lai. Một số khác nói rằng họ sẽ gia nhập quân ngũ và nghĩ về nó sau này. Người duy nhất có thể trả lời ngay câu hỏi này là Faker. Tôi đã rất ngạc nhiên vì điều này, khác hẳn với tính nhút nhát của anh. Anh nói đơn giản: “Tôi muốn đi học”. Anh chưa chọn được chuyên ngành, nhưng anh đặc biệt thích khoa học. Bộ phim yêu thích của anh là Interstellar. Khi tôi đi quanh sân đấu, tôi đã tự hỏi liệu anh có nhớ đến câu trả lời đó của mình không.
Cuối cùng, tôi bắt gặp anh bên ngoài sân đấu, đứng thẳng hàng với đồng đội trên thảm đỏ trước tấm phông nền bằng giấy. Hàng trăm người hâm mộ tập hợp trong buổi tối ấm áp tại Florida để được chụp ảnh với SKT. Họ tiến đến chỗ Thánh Faker, từng người một. Mỗi lần như vậy, anh lại cúi chào và mỉm cười với họ.
Đăng nhận xét