Đã kết thúc ngày thi đấu đầu tiên của giải GPL Mùa Hè 2015, các trận đấu kịch tính đã diễn ra ngày từ ngày 1 tuần 1 này. Liên tục các đội đưa ra những chiến thuật, những con bài để làm đối thủ bất ngờ, nhằm chiếm lợi thế, và Saigon Jokers cũng không phải ngoại lệ.
Ở trận đối đầu với Bangkok Titans, các đại diện đến từ Sài Gòn đã đem con bài cực kì mới lạ ra và đó chính là Tahm Kench – Thủy Quái Đại Vương. Con bài này cũng đã rất thành công trong giai đoạn đầu trận đấu, khi mà Tsu cùng SAJ đã làm cho BKT phải bối rối và khó đưa ra cách để đối phó với con Thủy Quái này.
Cùng với một phong độ thi đấu cực cao của Auzeze trong ngày hôm qua với con bài Fizz đường trên, Saigon Jokers luôn là những người chủ động hơn Bangkok Titans rất nhiều trong giai đoạn đầu trận đấu. Khi đi đường, Tahm Kench thể hiện được rất rõ sức mạnh của mình, khi liên tục cứu đồng đội cực kì chuẩn xác với kĩ năng Đánh Chén của mình.
Khả năng đi đường
Tahm Kench là một tướng hỗ trợ có bộ kĩ năng cực kì đa dụng và độc đáo. Hắn có thể cứu đồng đội trong những hoàn cảnh tưởng chừng đã phải buông tay, bỏ chuột. Tahm Kench có thể giúp đồng đội tránh được những kĩ năng khống chế khủng nhờ vào kĩ năng Đánh Chén của mình, xạ thủ khi đi cùng sẽ không quá lo lắng khi bị dồn khống chế hoặc những pha gank 3 v 2 đến từ người đi rừng địch.
Hiệu ứng này kéo dài lâu hơn hầu hết các trạng thái khống chế, nên ngay cả khi đội đối phương cố gắng bắt giữ xạ thủ của Thủy Quái Đại Vương một cách hoàn hảo, Tahm Kench vẫn có thể giải quyết gọn gàng mọi thứ trước khi tìm một vị trí an toàn hơn. Hơn thế nữa, nếu hắn thay xạ thủ nhận sát thương từ kẻ địch khi chạy lạch bạch tìm chỗ trốn, nội tại của Da Dày cung cấp cho Thủy Quái Đại Vương khả năng hồi phục đáng kể. Cuối cùng, ngay cả nếu đối phương quyết tâm trao đổi chiêu thức khi đi đường, Tahm Kench có thể chuyển hướng sang xạ thủ đối phương, đánh dấu hắn bằng nội tại trước khi Đánh Chén hắn để tạo ra một tình huống siêu mạnh – mặc dù chỉ là tạm thời – viễn cảnh hai đánh một.
Cùng nhìn lại khả năng sử dụng Tahm Kench của Tsu trong trận đấu ngày hôm qua. Có thể thấy rằng, người chơi hỗ trợ của SAJ đã rất cố gắng trông việc bảo kê đồng đội hoặc chủ động đánh của mình, có những thời điểm, Tsu đã đầu tư hẳn tốc biến để sử dụng kĩ năng Đánh Chén, đưa đồng đội về vị trí an toàn.
Không chỉ trong những pha chủ động tấn công, mà cả những pha bị đối thủ truy đuổi, Tahm Kench trong tay Tsu cũng có thể sống sót an toàn với kĩ năng Da Dày của mình. Khả năng tạo lớp máu ảo tới từ kĩ năng này đã giúp cho Tsu chống chịu được một lượng rất lớn, thoát khỏi những pha dồn sát thương nguy hiểm.
Bên cạnh đó, chiêu cuối của Tahm Kench còn có rất nhiều tác dụng trong việc kiểm soát các mục tiêu lớn, khi có thể sử dụng để biến đến một vị trí trên bản đồ ( có tầm sử dụng ). Nó sẽ giúp cho Tahm Kench và đồng đội có thể chủ động hơn trong những pha kiểm soát mục tiêu, cũng như gây áp lực lên đối thủ rất tốt.
Nhưng liệu nó có hiệu quả?
Khả năng là như vậy, nhưng liệu nó có thực sự hiệu quả để sử dụng trong những trận đấu chuyên nghiệp, có tính chuyên môn cao? Chúng ta có thể thấy rõ ràng điều đó trong trận đấu giữa Saigon Jokers và Bangkok Titans.
Ở giai đoạn đầu trận đấu, đường dưới của SAJ, cụ thể là Tahm Kench trong tay Tsu đã gây được áp lực rất lớn lên BKT. Một phần là vì BKT khá bối rối khi đây là lần đầu tiên phải đi với vị tướng này, phần nữa là vì BKT đang trong quá trình tìm ra cách để đối phó với con tướng này.
Sau trận đấu khá gay cấn đó, khi phỏng vấn WarL0cK – người đi đường trên của BKT, anh cũng cho hay:
“Với một vài thành viên trong đội, đây là lần đầu tiên phải đối mặt Tahm Kench, chính vì vậy chúng tôi đã có chút bối rối giai đoạn đầu.
Tahm Kench có khả năng gây áp lực toàn bàn đồ với chiêu cuối, đồng thời có chiêu thức bảo vệ đồng đội tốt. Tuy nhiên, trong giao tranh tổng, vị tướng này khá vô dụng.“
Tsu đã nổ phát súng đầu tiên khi sử dụng Tahm Kench lần đầu tiên trong vòng bảng 2 tại GPL Mùa Hè 2015 này. Vẫn còn rất nhiều những đấu khác và chắc chắn đó là những trận đấu cực kì căng thẳng, gay cấn. Thế nhưng, với một vài nhận xét đến từ BKT, đội đầu tiên đã đối đầu với con bài “dị” này, thì trong những ngày thi đấu tới, liệu có đội tuyển nào dám đem Tahm Kench ra sử dụng hay không?
Đăng nhận xét