Theo một bảng chỉ đường với dòng chữ 02 PC BANG (tên một quán cà phê Internet), tôi rẽ vào một con đường nhỏ ở Quận Gangnam của Seoul. Xuống một vài bậc thang, tôi bước vào một căn phòng khá tối và không cửa sổ. Ánh sáng duy nhất trong phòng phát ra từ các dãy máy vi tính đặt sát nhau. Khi tôi đến, một phụ nữ đứng tuổi đang ngồi gần cửa, bên cạnh một bảng quảng cáo các loại nước tăng lực. Quán cà phê khá yên ắng với chỉ những tiếng động đặc trưng của Liên Minh (tiếng leng keng, tiếng vũ khí trong trận). Gần cuối phòng, ba nam thanh niên người Hàn ngồi cạnh nhau, đôi tay họ liên tục ấn vào bàn phím. Anh Kim Hyun-jun, người ngồi ngoài cùng trong số ba thanh niên, nói rằng anh đến đây vài lần mỗi tuần, mỗi lần khoảng 5 tiếng.
Khi tôi hỏi anh có nghe đến Faker bao giờ chưa thì anh ta nhìn tôi như thể tôi là người ngoài hành tinh. “Tất nhiên rồi”, anh ta trả lời trong khi hai người bạn kia cười khúc khích. “Tất cả mọi người đều biết Faker. Faker là Thánh”.
Hàn Quốc có trên 12.000 máy tại các phòng game, đa phần trong số đó hoạt động suốt 24 giờ. Những phòng game này nở rộ vào cuối những năm 1990, khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á buộc chính phủ phải đầu tư vào hệ thống Internet băng thông rộng. Theo ông Wi từ kênh OGN, sự suy thoái của nền kinh tế đã tạo cơ hội cho nền Thể Thao Điện Tử Hàn Quốc phát triển: “Tỉ lệ thất nghiệp tăng cao và một bộ phận đông đảo người dân không có việc làm. Vậy nên họ bắt đầu chơi các trò chơi trực tuyến”. Và ngày nay, có vẻ khá trái khoáy khi tại một đất nước mà giới trẻ sở hữu những chiếc điện thoại thông minh trước cả Mỹ hay châu Âu, người dân vẫn đổ xô đến các quán cà phê Internet truyền thống. Trên thực tế, nghịch lý này bắt nguồn từ nguyên nhân xã hội học. Tại Seoul, nơi mà nhiều gia đình sống trong những căn hộ nhỏ, trẻ em ít được phép chơi game thoải mái trong phòng khách của gia đình. Chính vì vậy, giới trẻ thường xuyên tìm đến những phòng game để có thể chơi thỏa thích.
Môn Thể Thao Điện Tử đầu tiên có mặt tại Hàn Quốc là StarCraft. Đây là một trò chơi chiến thuật thời gian thực và trí tuệ không thua gì cờ vua. StarCraft được phát hành vào năm 1998 và chỉ vài năm sau, cụ thể là giữa những năm 2000, Hàn Quốc đã có một giải đấu chuyên nghiệp đầy hấp dẫn, một cơ quan quản lý chuyên trách (Hiệp hội Thể Thao Điện Tử Hàn Quốc, hay còn gọi là KeSPA) và hai mạng truyền thông chuyên dụng dành riêng cho eSports. Nhưng vào cuối thập kỷ này, StarCraft mất dần sức hút. Vừa lúc đó, Riot Games, một công ty nhỏ đặt trụ sở tại Santa Monica, bang California, Mỹ cho ra mắt Liên Minh Huyền Thoại tại Hàn Quốc. Tuy không tính chính xác lượng người chơi của mỗi quốc gia, ước tính Riot có tổng cộng trên 12 triệu người chơi mỗi ngày. Khi các đội tuyển Liên Minh chuyên nghiệp được ra mắt tại Hàn Quốc năm 2012, nền tảng hỗ trợ cho họ bao gồm các huấn luyện viên, các nhà tài trợ và các trung tâm luyện tập đều đã sẵn sàng.
Tại Hàn Quốc, các phòng máy (PC Bang) lúc nào cũng tấp nập
Faker sống cùng các đồng đội của mình trong một căn hộ ở rìa thành phố Seoul, một khu vực có nhiều cao ốc nhưng lại ít công ty. Các vận động viên không có phòng riêng mà phải ở ghép. Họ thường luyện tập khuya và đón bình minh vào trưa hôm sau. Lúc đó, một đầu bếp sẽ đến chuẩn bị bữa ăn cho họ. Sau đó, cả đội mất vài phút đi bộ để đến trung tâm luyện tập. Tại đó, họ luyện tập với các đội khác trong khoảng tám giờ đồng hồ. Đôi khi, họ tạm ngừng để phân tích video chiếu lại của các trận đấu. Riêng Faker thường tự luyện tập thêm ít nhất bốn tiếng nữa.
Khi tôi đến thăm trung tâm tập luyện của đội, hai huấn luyện viên là Choi “L.i.E.S.” Byoung-hoon và Kim “kkOma” Jeong-gyun đang ngồi trên những chiếc ghế da giống hệt đặt cạnh nhau trong trong văn phòng chung của họ. Anh kkOma đang chơi Liên Minh trên máy tính của mình khi tôi hỏi anh nghĩ sao về nạn chảy máu tài năng eSport đang diễn ra tại Hàn Quốc. “Cũng tùy vào kết quả Chung kết Thế giới năm nay. Miễn là Hàn Quốc thắng thì sẽ không thành vấn đề”, vừa nói, anh vừa bấm chuột liên tục, mắt vẫn không rời màn hình.
Khi tôi nhắc đến Faker, kkOma không kìm được cái chau mày. Anh nói: “Đây là môn thể thao đồng đội. Khi đội bị thọt thì Faker cũng không thể tỏa sáng được. Cậu ta thể hiện tốt như vậy cũng là nhờ cả đội đánh ăn ý và hỗ trợ lẫn nhau”.
Bên ngoài phòng làm việc của huấn luyện viên, Thánh Faker đang đứng trong đại sảnh và nhìn vào bức ảnh của đội năm 2013. Nâng cao chiếc cúp vô địch tại Los Angeles bằng một tay, các vận động viên trong ảnh tươi cười và cùng chỉ tay còn lại lên trời. Khi tôi hỏi anh còn giữ liên lạc với các thành viên đã rời Hàn Quốc không, anh trả lời: “Không, tôi còn phải chú tâm vào luyện tập”.
Khoảnh khắc huy hoàng nhất trong sự nghiệp của Faker
Faker lớn lên ở quận Gangseo, cách trung tâm tập luyện của SKT không xa. Anh và em trai lớn lên trong vòng tay của bố và ông bà (anh tiết lộ mình đã không gặp mẹ một thời gian). Từ thuở nhỏ, anh đã rất thông minh: cậu bé Sang-hyeok có thể tự giải Rubik và cậu còn đọc sách ngoại văn để tự học thêm những ngôn ngữ mới. Bố anh, một người thợ mộc, đã khá lo lắng về sự phát triển sớm của con trai. Sang-hyeok luôn yêu thích các trò chơi. Anh tìm tòi, luyện tập và chinh phục chúng với niềm đam mê mãnh liệt. Anh bắt đầu chơi Liên Minh khi trò chơi này được ra mắt tại Hàn Quốc năm 2011, và từ đấy, anh đã luyện tập không ngừng nghỉ. Một thời gian sau, cậu bé Sang-hyeok đã giỏi đến mức máy chủ Hàn Quốc khó mà tìm được đối thủ xứng tầm với anh trong các trận đấu. Khi SKT ngỏ lời mời Faker, anh mới chỉ bước vào cấp ba. Và sau khi gia nhập đội, anh đã bảo lưu việc học.
Faker chỉ cho tôi xem phòng luyện tập của anh, sau đó dẫn tôi đến một căn phòng khác được trang trí với một băng ghế dài bằng da, một kệ để cúp và một giá để giày từ nhà tài trợ New Balance. Chiếc tủ lạnh trong góc phòng chứa đầy thức uống thể thao từ một nhà tài trợ khác của SKT là Pocari Sweat. Chiếc ghế sofa rất lớn nhưng Faker chỉ ngồi nép ở rìa ghế, hai tay nắm chặt vào nhau. Khi tôi hỏi cuộc sống của anh ở trung tâm luyện tập như thế nào, Faker vẽ ra một viễn cảnh khá tẻ nhạt. Anh không có một thú vui nào khác ngoài Liên Minh, và anh cũng chẳng có nổi một người bạn gái. Anh cũng chẳng có gì hay để treo lên tường trong phòng ngủ. Điều duy nhất mà anh thích ở đây là nước uống.
Tôi kể mình có đọc được ở đâu đó rằng Faker có trồng cây cảnh và hỏi anh chúng trông như thế nào. “Tôi có trồng một loại cây và một loại cỏ”, Faker ấp úng đáp, kèm cái vuốt tóc trên trán như một thói quen.
Ban đầu, các huấn luyện viên của SKT khá e ngại về sự nhút nhát của Faker. Một trong số họ thậm chí còn lo ngại Faker bị rối loại giao tiếp khi trong nhiều ngày, anh hầu như không nói gì. Choi kể: “Cậu ấy khá ít nói nên chúng tôi đã nghi ngờ không biết cậu ấy có thể làm tốt trong môi trường của đội hay không”.
“Tôi nghĩ rằng nếu chăm chỉ luyện tập, tôi chắc chắn sẽ giành lại được vị trí số một.” – Faker
Nhưng khi tôi chuyển chủ đề sang Liên Minh, Faker trông thoải mái hơn hẳn. Mắt anh sáng lên khi tôi hỏi làm thế nào mà anh có thể chơi nhiều tướng đến vậy (trong khi đa phần người chơi chỉ thuần thục một vài tướng, Faker thành thạo trên 30 tướng khác nhau). Anh giải thích: “Thế mạnh của tôi là hiểu được mạch của trận đấu, biết được khi nào nên đánh và khi nào không nên. Và bất kể tôi có sử dụng vị tướng nào đi nữa thì tôi vẫn phát huy thế mạnh này”. Khi hỏi đến sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp của anh, tôi lại biết thêm một vài chi tiết thú vị. Tại vòng chung kết thế giới ở Los Angeles, cả đội dẫn anh vào trường quay của Universal. Kể về kỷ niệm này, anh cười thật tươi khi nhớ lại chuyến tàu Transformers đi cùng với đội. Đôi lúc, anh ghi hình trận đấu luyện tập của mình cho người hâm mộ xem và khán giả nhận ra nhạc nền anh chọn là thể loại nhạc Pop phương Tây. Nghệ sỹ yêu thích của Faker là Taylor Swift.
Anh thừa nhận rằng sự nổi tiếng cũng gây khá nhiều phiền toái. Người hâm mộ Liên Minh theo dõi mọi cử chỉ của anh trên Naver, trang mạng lớn nhất Hàn Quốc. Một bài viết gần đây trên Reddit lật lại chuyện có phải anh đang hẹn hò một phát thanh viên Hàn Quốc đã thu hút hàng trăm bình luận. Trong những dịp hiếm hoi ra khỏi trung tâm luyện tập, anh thường bị những người hâm mộ tuổi teen bao vây. “Tôi thường đội một chiếc mũ bóng chày”, anh nói.
Tôi nhận ra Faker không thích nói về hợp đồng mời gọi từ Trung Quốc. Khi tôi đề cập đến chuyện này, khuôn miệng anh mím lại và Faker lại vuốt tóc. Cuối cùng anh nói: “Rất nhiều tuyển thủ sau khi sang Trung Quốc nói rằng mọi việc không hề dễ dàng. Tôi nghĩ được ra nước ngoài là một trải nghiệm tốt, nhưng về phía mình, tôi muốn ở lại Hàn và giành cúp vô địch thế giới một lần nữa”. Tôi hỏi anh có tin mình là tuyển thủ số một thế giới hay không thì nhận được câu trả lời: “Chưa đâu, còn rất nhiều người giỏi ngang tầm với tôi. Nhưng tôi nghĩ rằng nếu chăm chỉ luyện tập, tôi chắc chắn sẽ giành lại được vị trí số một.”
(Còn tiếp…)
Theo Mima Kimes/ESPN
Đăng nhận xét